16 VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SƠ SINH DƯỚI 1 TUỔI MẸ CẦN LƯU Ý

Thường lúc sơ sinh, hệ miễn dịch còn non trẻ, sức đề kháng còn chưa tốt nên dễ mắc bênh. Phần nhiều các vấn đề này không nguy hiểm cho bé, nhưng bố mẹ cần biết để sử lý kịp thời và tránh lo lắng quá nhiều cho bé.

GIAI ĐOẠN 1: TRẺ 3 THÁNG TUỔI

1. TRẺ HAY VẶN MÌNH, GỒNG NGƯỜI

Trẻ sơ sinh từ 5-6 tuần tuổi thường có triệu chứng vặn người và đỏ mặt khi ngủ, khi bú và khi thay bỉm. Đây là hiện tượng phản xạ sinh lý rất bình thường của cơ thể bé, triệu chứng này chỉ kéo dài trong vòng vài phút và tự hết. Giai đoạn này, trẻ sơ sinh vẫn tăng cân bình thường thì Mẹ không cần lo lắng. Mẹ hãy chú ý tạo môi trường xung quanh bé thoải mái cho giấc ngủ bé ngon như tã quần không quấn quá chặt, quần áo thông thoáng, ánh sáng dịu nhẹ và tránh tiếng ồn lúc bé ngủ, … 

[T]uy nhiên, nếu tình trạng trẻ sơ sinh vặn mình, gồng người, quấy khóc gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và khả năng tăng cân của trẻ (tăng dưới 800gr/ tháng). Mẹ hãy tìm hiểu một số nguyên nhân sau để có biện pháp chữa trị phù hợp:

  • Bé thiếu canxi: thường xảy ra với trẻ sinh non, thiếu vitamin D. Nếu trẻ có dấu hiệu vặn mình, không ngủ sâu giấc, thường xuyên quấy khóc về đêm kèm thêm triệu chứng nôn trớ, rụng tóc, chán ăn, chậm lên cân, chậm phát triển hệ vận động, …thì trẻ có nguy cơ bị còi xương. Mẹ hãy bổ sung vitamin D, canxi đầy đủ để trẻ phát triển, chữa các triệu chứng trên.
  • Bé trào ngược dạ dày thực quản:  Cơ thắt dưới thực quản của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị trào ngược sữa từ dạ dày lên khiến trẻ hay bị nôn trớ, ọc sữa,… Điều này khiến bé bị khó chịu nên thường xuyên vặn mình, gồng người. Mẹ hãy kê đầu bé cao hơn khi bú và sau khi bú, tránh để bé bú quá nhiều để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày này.
  • Các nguyên nhân bệnh lý khác: Ngoài 2 nguyên nhân chính về bệnh lý trên, trẻ sơ sinh vặn mình cũng xuất phát từ các bệnh ngoài da gây ra ngứa ngáy, … nên Mẹ hãy chú ý đến môi trường xung quanh bé, đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ và thoải mái cho bé.

2. TRẺ SƠ SINH KHÓ NGỦ VÀO BAN ĐÊM

Thường bé sơ sinh khó ngủ vào ban đêm bởi vì bé gần như ngủ cả ngày (từ 15-17 tiếng) nhưng chia nhiều giấc ngủ nhỏ và không sâu. Nguyên nhân do thể tích dạ dày trẻ còn nhỏ, nên phải thường xuyên thức dậy sau 2-3 giờ để bú. Nếu trẻ sơ sinh ngủ ít nhưng vẫn bú bình thường, phát triển tốt, không quấy khóc thì Mẹ không cần lo lắng.

[N]hưng nếu trẻ thường xuyên khó ngủ và kèm theo một số triệu chứng như chậm mọc răng, tóc rụng, đổ mồ hôi trộm, … thì có khả năng trẻ bị còi xương, thiếu canxi. Mẹ hãy nhanh chóng bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nhất là vitamin D và canxi để giúp bé phát triển tốt.

Một số nguyên nhân khó ngủ khác có thể kể đến như bé đói, tã ướt, … nên Mẹ hãy quan sát bé để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều chỉnh để bé có giấc ngủ ngon và sâu.

3. TRẺ THƯỜNG XUYÊN QUẤY KHÓC

Trẻ sơ sinh còn nhỏ, chưa thể giao tiếp với Ba Mẹ nên tiếng khóc của trẻ mang rất nhiều thông điệp: trẻ muốn bày tỏ nhu cầu như đói, khát, muốn vận động, tã ướt, … hay thậm chí là muốn được Mẹ ôm. 

[N]goài ra, với trẻ sơ sinh ở giai đoạn này thì khóc còn là một cách giúp trẻ rèn luyện hô hấp. Khóc giúp tăng cường các cơ giúp trẻ hô hấp, đồng thời giúp cho phổi được mở rộng. Thêm nữa, khi trẻ khóc sẽ cử động tay chân liên tục giúp trẻ tăng nhiệt độ cơ thể, dần thích nghi với môi trường ngoài bụng Mẹ. Nên Mẹ hãy bình tĩnh, chớ vội bế bé ngay lập tức mà hãy để trẻ thoải mái “khóc la” một lúc. Việc Mẹ cứ thấy bé khóc là dỗ vô tình sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc, phải có “hơi” Mẹ thì mới chịu bú hay ngủ, đồng thời cản trở việc thích nghi với môi trường bên ngoài của trẻ.

Trẻ sơ sinh 3 tháng đầu hay khóc cũng có thể là do bỉm ướt gây khó chịu, quần áo bé mặc không thoải mái, thô ráp gây ngứa hay nằm mãi một tư thế khiến trẻ khó chịu.

Tuy nhiên, nếu bé cứ liên tục quấy đêm không chịu ngủ, khóc dai dẳng, khi ngủ bé thường giật mình đi kèm một số dấu hiệu như chậm mọc răng, rụng tóc, đổ mồ hôi trộm  thì có thể bé đang mắc một số bệnh lý, tiêu biểu là bệnh còi xương. Mẹ hãy theo dõi thường xuyên để kịp thời đưa bé đi kiểm tra sức khỏe.

4. TRẺ NẤC CỤT LIÊN TỤC

Nấc cụt ở trẻ sơ sinh được cho là do cơ hoành của trẻ bị kích thích không liên tục cùng lúc nắp thanh âm bị đóng lại đột ngột. Hiện tượng này vô hại với trẻ và sẽ hết dần khi trẻ lớn lên nên Mẹ không cần lo lắng.

Nhưng nếu trẻ nấc cụt có kèm theo nôn trớ, thường xuyên giật mình, khó ngủ, đổ nhiều mồ hôi, chậm lên cân, … thì 90% khả năng trẻ thiếu vitamin D. Mẹ hãy bổ sung thêm dưỡng chất, vitamin D để trẻ phát triển tốt.

5. DA TRẺ BỊ RÔM SẢY – LÁC SỮA

Các hormone của mẹ vẫn còn trong cơ thể trẻ sơ sinh cũng như các ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên mồ hôi không thoát hoàn toàn được gây ra hiện tượng rôm sảy. Điều này không gây hại đến sức khỏe của trẻ, Mẹ chỉ cần nhẹ nhàng lau sạch da mặt bé bằng nước ấm và cho trẻ ở những nơi khô ráo, thoáng mát.

[L]ác sữa hay còn gọi là chàm sữa, là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Thực chất, chàm sữa ở trẻ sơ sinh rất lâu hết, nhưng vẫn không gây hại cho trẻ mà sẽ hết dần dần khi trẻ lớn. Mẹ chớ nóng vội mà mua thuốc 7 màu hay các loại thuốc da liễu khác thoa cho trẻ vì da trẻ rất nhạy cảm nên nếu sử dụng không đúng sẽ gây hại đến trẻ. Mẹ chỉ cần thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ sơ sinh và luôn giữ môi trường quanh bé sạch sẽ, thoáng mát.

6. TRẺ SƠ SINH ĐI NGOÀI NHIỀU LẦN CÓ NƯỚC

Nhưng nếu trẻ có tần suất đi ngoài nhiều lần kèm theo phân có mùi, có bọt, sốt cao, chán ăn, nôn trớ, mệt mỏi thì Mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình để mang lại nguồn sữa chất lượng cho con hoặc thay đổi sữa công thức trong trường hợp Mẹ thiếu sữa. Nếu tình trạng vẫn không suy giảm, Mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện Nhi để kiểm tra và điều trị.Trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu luôn đi ngoài nhiều nhưng không nôn trớ, phân bình thường, không có máu hay vón cục và không hề khó chịu quấy khóc, bé vẫn bú Mẹ bình thường thì Mẹ không cần phải lo lắng gì cả. 

7. BÉ SƠ SINH THỞ MẠNH KHÒ KHÈ

Hầu hết trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đều có hiện tượng thở khò khè, nhất là đối với trẻ sinh mổ. Điều có thể giải thích do trong quá trình sinh thường, Mẹ rặn đẻ liên tục giúp trẻ có quá trình co thắt, vận động một cahcs tự nhiên ở hệ hô hấp. Điều này giúp các phế nang của phổi vận động ngay từ lúc mới chào đời và chủ động đẩy các chất nhầy (dịch nước ối, …) ra khỏi cuống phổi. Nhưng với trẻ sinh mổ,  quá trình này không diễn ra nên chất nhầy trong phế quản vẫn còn sót lại, chưa tống hết ra ngoài được khiến trẻ hay khò khè trong 3 tháng đầu.

[V]ậy nên, Mẹ cứ bình tĩnh và bổ sung đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ cũng như áp dụng một số phương thức dân gian như chưng chanh với mật ong hay nước gừng ngâm, … cho trẻ uống để giảm hiện tượng này. Tuy nhiên sau 3 tháng trẻ vẫn kéo dài hiện tượng này kèm theo một số triệu chứng khác thường như quấy khóc, mệt mỏi, da tím nhạt, … Mẹ nên đưa bé đi bệnh viện kiểm tra ngay.

8. TRẺ SƠ SINH BỊ HẮT HƠI SỔ MŨI

Mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ đồng nghĩa với đường thở nhỏ, dễ bị bí tắt do bụi bẩn bám vào nên trẻ sơ sinh dễ xảy ra hiện tượng nhảy mũi thường xuyên. Ngoài ra, việc thay đổi môi trường sống từ trong bụng Mẹ sang môi trường bên ngoài cũng khiến bé nhảy mũi do một số xung huyết. Nếu không kèm theo triệu chứng cảm sốt, chảy nước mũi đặc màu vàng xanh, … thì Mẹ không cần lo lắng, chỉ cần thường xuyên vệ sinh mũi bé bằng nước muối sinh lý thật sạch để đường thở bé luôn thông thoáng.

9. TRẺ EM BỊ NÔN TRỚ NHIỀU LẦN TRONG NGÀY

Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Với trẻ sơ sinh 3 tháng đầu, bé khi vừa ăn xong hay vặn người sẽ trớ ra sữa vón cục. Đây là hiện tượng hết sức bình thường vì dạ dày bé còn nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu nên dễ dàng bị trớ. Để giảm bớt hiện tượng nôn trớ này ở trẻ sơ sinh 3 tháng đầu, Mẹ cần chia nhỏ các cữ bú trong ngày và tăng số cữ lên.

[N]ếu trẻ nôn trớ kèm theo nóng sốt, tiêu chảy, sổ mũi, ho, phát ban, bị trào ngược dạ dày, … thì có khả năng bé mắc một số bệnh lý. Mẹ hãy theo dõi thêm và đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức nếu có nhiều những triệu chứng bất thường.

10. TRẺ SƠ SINH ĐI NGOÀI KHÓ KHĂN (TRẺ BỊ TÁO BÓN)

Trẻ trong 3 tháng đầu nếu không đi đại tiện 2 – 3 ngày thì gọi là bị táo bón. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên với trẻ dùng sữa công thức hơn do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, chưa xử lý được lượng protein có trong sữa công thức. Tuy nhiên, hiện tượng này không gây hại cho trẻ 3 tháng tuổi và Mẹ có thể dễ dàng cải thiện như sau: 

– Nếu bé bú sữa Mẹ: Mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và uống đủ nước cho cơ thể (bao gồm các loại nước hoa quả, nước canh, … )

– Nếu bé bú bình: Mẹ hãy pha sữa cho bé đúng công thức hoặc thay đổi loại sữa khác để phù hợp với cơ thể bé hơn.

– Mẹ có thể cho bé uống nước hãm để nguội từ lá diếp cá khoảng 2 lần/ ngày. Mẹ hãy cho bé uống cách ngày đến khi ngưng trẻ ngưng táo bón thì dừng. 

Ngoài ra, Mẹ có thể massage bụng bé ngày 2-3 lần bằng cách xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ từ 3 – 5 phút hoặc bơm hậu môn cho trẻ (không nên áp dụng thường xuyên) để kích thích hệ tiêu hóa của trẻ và giúp trẻ dễ dàng đi đại tiện hơn

11 MẸ BỆNH KHI ĐANG CHO BÉ BÚ

Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh đến từ sữa Mẹ, trừ khi bé sử dụng sữa công thức, nên tình trạng sức khỏe của Mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bé thông qua nguồn sữa.

[N]ếu Mẹ chỉ bị cảm thông thường, Mẹ có thể áp dụng một số biện pháp giảm sốt bằng cách bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng qua việc uống sủi C, chanh pha mật ong, xông hơi giải cảm, … hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống thật lành mạnh, bổ sung đầy đủ nước để Mẹ thêm khỏe, sữa bé thêm chất lượng.

Nếu như Mẹ bệnh nặng hơn, Mẹ hãy chủ động đến kiểm tra sức khỏe để kịp thời chữa trị.

GIAI ĐOẠN 2: TRẺ SƠ SINH SAU 3 THÁNG ĐẾN 1 TUỔI

1. TRẺ BỊ SỐT

Sốt là cách phản ứng của cơ thể trẻ đối với nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng phần lớn là do các bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến sốt siêu vi. Lúc này, Mẹ không cần nóng lòng mà hãy đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ, nếu nhiệt độ không quá 38,5 độ thì Mẹ chỉ cần chườm mát lau người bé, cho bé mặc đồ thoáng mát, thoải mái là được. Nguyên nhân dẫn đến sốt cho trẻ có thể là do mọc răng, rối loạn tiêu hóa hoặc cảm lạnh thông thường, viêm phế quản, cơ thể phản ứng với thuốc tiêm ngừa, … 

Có 3 mức độ sốt khác nhau ở trẻ, Mẹ có thể tham khảo: Sốt nhẹ (37 – 380C), sốt vừa (38.5 – 39.50C) và sốt cao (> 39.50C). 

  • Nếu trẻ sốt dưới 40 độ, Mẹ có thể theo dõi và hạ sốt tại nhà. Mẹ vẫn có thể cho trẻ bú bình thường, bổ sung nhiều nước và lau mát cho bé.Mẹ lưu ý ơ]không đắp chăn lên ngực bé vì dễ bị cảm lạnh mà hãy mặc đồ mỏng, thoáng mát cho trẻ và không dùng nước đá để lau mát.
  • Nếu trẻ sốt trên 40 độ, Mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay.

2. TRẺ NHIỄM VIRUS ( SỐT SIÊU VI)

Nhiễm virus là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3 tháng trở lên, chủ yếu hay gặp ở mùa hè. Khi nhiễm virus, trẻ sốt hơn 38,5 độ kèm theo triệu chứng ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, phát ban, … 

[C]ác loại sốt siêu vi phần lớn sẽ tự khỏi trong vòng 5 -10 ngày và không có thuốc điều trị. Mẹ hãy bình tĩnh theo dõi tình trạng sức khỏe của bé và áp dụng một số biện pháp hạ nhiệt tại nhà cho bé như lau mát hay bổ sung nhiều nước, vitamin C tăng sức đề kháng cho trẻ. Với những trẻ có sức đề kháng kém thì từ sốt siêu vi mới phát triển thêm các biến chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Lúc này, Mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức. 

3. TRẺ BỊ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP (CẢM – HO – SỔ MŨI)

Đây là bệnh thường xảy ra ở trẻ, nhất là sau 6 tháng khi trẻ bắt đầu ăn dặm, lượng kháng thể nhận được từ sữa Mẹ giảm nhiều nên khả năng miễn dịch với môi trường bên ngoài kém hơn, dẫn đến dễ bị lây bệnh, nhiễm siêu vi hoặc cảm lạnh do thay đổi thời tiết.

Thay vi nóng ruột cho con uống liền các loại thuốc kháng sinh, mẹ hãy áp dụng một số phương thức đơn giản tại nhà từ các nguyên liệu tự nhiên khi con có dấu hiệu cảm – ho – sổ mũi:

  • Nước lá húng quế kết hợp cùng tỏi nướng:  hỗ trợ hiệu quả việc điều trị sổ mũi ở trẻ sơ sinh. Mẹ lấy 10 lá húng quế, giã nhỏ, cho nước sôi vào và chắt lấy nước để nguội, sau đó cho bé uống 2-3 lần/ ngày. Mẹ cũng hãy nướng ½ hoặc ⅓  củ tỏi cho thơm (vừa chín) rồi nghiền nhuyễn, cho nước lá húng quế vào, chắt ra và con uống ngày 2 lần liên tục 1-2 tuần.
  • Lá húng chanh: chứa thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng cho bé (Mẹ có thể thay bằng lá tía tô). Với nguyên liệu này, Mẹ giã dập lá, sau đó trộn với 10ml nước sôi, để cho ngấm rồi lọc lấy nước cho trẻ uống 2 lần/ ngày. Hoặc Mẹ dùng 10-15 lá húng chanh cùng 10 hạt chanh giã nát, thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Sau đó, Mẹ cho bé uống liên tục 2 lần/ngày đến khi hết ho và hết thở khò khè.

Ngoài ra, khi con vừa có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, mẹ cần làm ngay việc xoa dầu khuynh diệp vào ngực con, sau lưng, lòng bàn chân, day day lòng bàn chân chừng 1 phút mỗi bên, sau đó đeo tất (vớ) vào. 

4. TRẺ HAY TRỚ SAU KHI ĂN

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn yếu, các van trong dạ dày chưa hoạt động đồng bộ nên hiện tượng nôn trớ sau khi ăn ở trẻ thường vô hại, sẽ tự khỏe và hết hoàn toàn khi trẻ được 1 tuổi. Nếu sau khi trớ sữa hay thức ăn, trẻ vẫn vui chơi bình thường thì Mẹ chỉ cần điều chỉnh thế ăn hợp lý cho bé là được.

[T]uy nhiên, nếu bé nôn nhiều nghĩa là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề, Mẹ cần cho bé nghỉ ngơi, bổ sung nhiều nước cho bé để không bị mất nước chứ đừng cố gắng ép bé ăn sẽ khiến tình trạng nôn trớ nhiều hơn và bé quấy khóc dữ dội hơn. 

Ngoài ra, Mẹ áp dụng một số phương thức sau:

  • Không ép trẻ ăn nhiều để tránh tình trạng bé bị ngấy khi nhìn thấy thức ăn và ăn không ngon miệng.
  • Nên cho bé ăn với lượng từ ít đến nhiều, lỏng đến đặc và chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

5. TRẺ RỐI LOẠN TIÊU HÓA

Trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân sống (có chất nhầy, có bọt, lợn cợn hạt, màu vàng xanh, hay xanh thẫm), tiêu chảy (đi ngày 5-7 lần trở lên, nước nhiều hơn phân) có nguyên nhân chính là do Mẹ ép trẻ ăn dặm quá sớm.

Để hạn chế rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh, Mẹ hãy áp dụng một số nguyên tắc sau:

  • Cho trẻ bú sữa Mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để nâng cao hệ miễn dịch của trẻ. Trường hợp Mẹ không đủ sữa, có thể xin lời khuyên từ bác sĩ để tìm kiếm loại sữa công thức phù hợp cho trẻ.
  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để nguồn sữa cho trẻ luôn chất lượng, giàu vitamin.
  • Không cho trẻ bú quá no và liên tục mà hãy tập cho trẻ thói quen ăn uống và đi vệ sinh đúng giờ.
  • Không ép trẻ ăn dặm quá sớm, thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Tránh tùy tiện dùng thuốc cho trẻ mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

LƯU Ý:  Những thông tin chỉ mang tính chất tham khảo để Mẹ dễ dàng áp dụng và sơ cứu tại nhà cho trẻ khi mắc những vấn đề trên. Nếu trong quá trình theo dõi thấy bé có những triệu chứng nặng hơn, Mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị.

 

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *